Sinh viên khá, giỏi sẽ được học cùng lúc đại học – thạc sĩ

Trang chủ TIN TỨC TUYỂN SINH Sinh viên khá, giỏi sẽ được học cùng lúc đại học – thạc sĩ

Chính sách đào tạo đặc biệt này sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức áp dụng từ tháng 7-2019.

ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố quyết định ban hành quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ đại học (ĐH) lên trình độ thạc sĩ.

Theo đó, sinh viên đang theo học bậc ĐH tại các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được liên thông lên trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng, rút ngắn thời gian học tập.

Học thạc sĩ từ năm thứ 3 đại học

Bằng việc cho phép sinh viên đăng ký học và tích lũy các môn học trình độ thạc sĩ từ năm thứ 3, năm thứ 4 ĐH, người có học lực khá, giỏi rút ngắn thời gian học tập so với tổng thời gian đào tạo trình độ ĐH và thạc sĩ của ngành tương ứng.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, quy định này chỉ áp dụng đối với các trường ĐH, viện nghiên cứu thành viên và các đơn vị trực thuộc được ĐH Quốc gia TP.HCM giao nhiệm vụ đào tạo trình độ ĐH và sau ĐH, chứ không áp dụng đối với các chương trình đào tạo ĐH, thạc sĩ trong nước và nước ngoài.

Cụ thể, các trường, đơn vị thành viên được đăng ký tất cả các ngành đào tạo liên thông trình độ ĐH lên thạc sĩ khi đã đạt chứng nhận kiểm định cấp trường theo tiêu chuẩn quốc tế được Bộ GD-ĐT công nhận và còn thời hạn.

Các đơn vị chưa kiểm định cấp trường được đăng ký đào tạo liên thông các ngành đã được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA hoặc đạt chứng nhận kiểm định quốc tế cấp chương trình đào tạo trình độ ĐH hoặc thạc sĩ đã được Bộ GD-ĐT công nhận và còn trong thời hạn.

Bên cạnh đó, các trường còn được đăng ký đào tạo liên thông ĐH lên thạc sĩ đối với các chương trình kỹ sư tài năng, cử nhân tài năng của ĐH Quốc gia TP.HCM, PFIEV và chương trình tiên tiến theo đề án của Bộ GD-ĐT.

Không quá 50% chỉ tiêu thạc sĩ của ngành

Theo ban sau ĐH – ĐH Quốc gia TP.HCM, hình thức tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ ĐH lên thạc sĩ là xét tuyển. Chỉ tiêu tuyển sinh không vượt quá 50% chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng.

Người dự tuyển là sinh viên năm 3, năm 4 có điểm trung bình tích lũy đến thời điểm xét tuyển đạt loại khá trở lên (điểm trung bình tích lũy từ 7,0 trở lên, theo thang điểm 10) và đang theo học ngành học phù hợp với ngành đào tạo liên thông theo hình thức này.

“Các trường, đơn vị thành viên sẽ xây dựng quy định chi tiết về thời gian xét tuyển, điều kiện và tiêu chí xét tuyển người học vào chương trình đào tạo liên thông này” – PGS.TS Vũ Phan Tú, trưởng ban sau ĐH, cho biết thêm.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng nêu rõ cấu trúc khung chương trình đào tạo gồm hai phần: phần trình độ ĐH và phần trình độ thạc sĩ, được thiết kế theo quy chế đào tạo hiện hành. Riêng các môn thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ được tổ chức giảng dạy trong thời gian học ĐH thì cũng sẽ xét công nhận cho các môn học đó ở trình độ ĐH.

“Ví dụ chương trình ĐH có môn toán 1, toán 2 và chương trình thạc sĩ cũng có hai môn đó. Nếu đến năm 3 bậc ĐH, sinh viên theo học chương trình liên thông này chưa học hai môn trên sẽ được đăng ký học hai môn này của chương trình thạc sĩ và sẽ được xét công nhận cho các môn này ở cả chương trình ĐH.

Các trường sẽ quy định chi tiết đối với việc xét công nhận các môn học này” – PGS Tú giải thích thêm. Tổng số tín chỉ của các môn học không quá 50% số tín chỉ của chương trình đào tạo thạc sĩ và các môn học này phải có trong khung chương trình đào tạo thạc sĩ đại trà của ngành tương ứng.

Khung chương trình đào tạo liên thông này phải được cập nhật định kỳ theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM và đảm bảo tổng số tín chỉ tích lũy của người học tối thiểu 180 tín chỉ.

Người học sau khi hoàn thành phần trình độ ĐH và đủ điều kiện theo quy định hiện hành được cấp bằng ĐH, người học sau khi hoàn thành phần trình độ thạc sĩ và đủ điều kiện theo quy định hiện hành được cấp bằng thạc sĩ.

Thời gian đào tạo: 4,5-5,5 năm

Thời gian đào tạo chính thức của chương trình liên thông trình độ ĐH lên thạc sĩ từ 4,5-5,5 năm. Thời gian tối đa cho phép để người học hoàn thành chương trình đào tạo là thời gian đào tạo chính thức cộng thêm 36 tháng (bao gồm thời gian nghỉ học tạm thời, tạm ngưng học tập và thời gian gia hạn). Thời gian học tập của người học được tính từ khi có quyết định nhập học của chương trình ĐH.

Sẽ có chương trình liên thông theo chiều ngang

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết thêm, ngoài quy định về đào tạo liên thông từ trình độ ĐH lên trình độ thạc sĩ vừa công bố, ĐH Quốc gia TP.HCM còn đang thiết kế chương trình song bằng (liên thông theo chiều ngang). Nghĩa là sinh viên một ngành có thể học thêm vài tín chỉ của ngành khác ở trường thành viên khác để được cấp hai bằng ĐH.

Các trường đang xây dựng chương trình đào tạo liên thông theo chiều ngang giữa các ngành đào tạo trong một trường và giữa các trường thành viên với nhau, sau 5 năm sinh viên có thể lấy hai bằng ĐH.

TRẦN HUỲNH
Nguồn internet – 08/06/2019

Đánh giá
Ý kiến bình luận

Đăng ký khóa học và nhận tư vấn

09.8888.0000