Trường ĐH ngày càng khó tuyển sinh sau đại học

Trang chủ TIN TỨC TUYỂN SINH Trường ĐH ngày càng khó tuyển sinh sau đại học

Dù có nhu cầu nhưng số lượng người đăng ký học sau ĐH ngày càng giảm. Thực trạng này được đưa ra trong tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH, chính sách học bổng và hợp tác nhà trường – doanh nghiệp” do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinGroup) tổ chức sáng 23/3.

Nhiều trường lớn giảm mạnh quy mô đào tạo sau ĐH

PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – dẫn con số: khoảng 78% doanh nghiệp, tập đoàn được hỏi trong một khảo sát đều đưa ra yếu tố đầu tiên để lựa chọn địa điểm đầu tư là chất lượng nhân lực; sau đó mới là chi phí sản xuất và chính sách thể chế hỗ trợ môi trường kinh doanh… Trong bối cảnh mới, việc đòi hỏi kĩ năng, trình độ với người lao động ngày càng cao.

“Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ với cơ sở giáo dục ĐH tối thiểu cần 50% với trường theo hướng ứng dụng. Trong khi đó, tỷ lệ hiện tại trung bình toàn quốc mới chỉ là 27%.” – PGS Hoàng Minh Sơn

Hiện nhu cầu nhân lực có trình độ sau ĐH là rất lớn. Theo PGS Hoàng Minh Sơn, riêng với các cơ sở giáo dục ĐH, để đạt được tỉ lệ 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Việt Nam cần thêm 17 nghìn tiến sĩ và cần ít nhất 6-7 năm nữa mới đạt được con số này. 

Mặc dù nhân lực có trình độ sau ĐH được ưu tiên hơn về đãi ngộ – nói như TS Trần Việt Hùng, người sáng lập GotIt từ thực tế doanh nghiệp mình, người có trình độ sau ĐH có thể có thu nhập cao gấp đôi trình độ ĐH – nhưng nghịch lý là, càng ngày, số có nhu cầu học sau ĐH càng giảm và các trường càng khó tuyển sinh, kể cả những trường lớn, nhiều uy tín.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cách đây 5 năm, quy mô tuyển sinh thạc sĩ khoảng 2000/năm, nhưng nay đã giảm chỉ còn 500-600 và khoảng 80% trong số đó được tốt nghiệp. Với năng lực đào tạo của trường (gần 800 giảng viên là tiến sĩ, hơn 40 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ) thì con số 500-600 là rất ít (bằng khoảng 1/10 quy mô tuyển sinh ĐH). Với đào tạo tiến sĩ, việc tuyển sinh nhiều năm ổn định khoảng 100 người mỗi khóa, nhưng năm vừa rồi chỉ tuyển được 35.

Tình trạng tương tự với Trường ĐH Bách khoa Hồ Chí Minh. Theo PGS, Hiệu trưởng Mai Thanh Phong, nhiều năm gần đây, số học viên của trường tham gia học sau ĐH giảm. Trước đây, số lượng tuyển mỗi năm đạt khoảng 1.300-1.400, nhưng gần đây giảm chỉ còn 500-600 mỗi khóa. Theo quan sát của ông Phong, những trường lớn, đặc biệt là trường kĩ thuật, đầu vào sau ĐH giảm rất lớn.

“Trường ĐH ngoài chức năng đào tạo còn có chức năng nghiên cứu, đó là đòi hỏi bắt buộc và đương nhiên có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là sau ĐH. Chúng ta đã có quy định cụ thể về tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ trong một trường ĐH. Nhìn chung, ở trong nước, tỷ lệ này luôn là con số thấp. Một số trường ĐH lớn có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ tương đối cao, nhưng nhu cầu vẫn còn nhiều” – PGS Mai Thanh Phong chia sẻ.

Trường ĐH ngày càng khó tuyển sinh sau đại học - 1..jpg

Đại diện trường ĐH và doanh nghiệp cùng trao đổ về đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Nguyên nhân từ đâu?

Lý giải nguyên nhân nghịch lý này, PGS Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nhiều sinh viên chọn tiếp tục học lên cao ở nước ngoài bởi họ được hỗ trợ bởi nguồn học bổng khá cao. Trong khi đó, học ở trong nước, người học vừa phải tự trả học phí và trả cả chi phí nghiên cứu.

Ông Sơn lấy ví dụ, nhiều trường ĐH nước ngoài đến mời chào thậm chí có ranking thấp hơn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng họ lại có hỗ trợ cho học viên. Như vậy, các em sẽ lựa chọn đi học ở nước ngoài vì vừa có trải nghiệm mới, vừa được trả tiền để đi học.

Cũng có quan điểm tương tự, ông Mai Hồng Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sáng tạo Mobifone – nhắc đến việc chúng ta đang bị cạnh tranh cả về giáo dục lẫn đào tạo và tuyển dụng. Số học sinh ở trường chuyên đi học nước ngoài khá lớn, con số đó làm hao hụt nguồn đào tạo trong nước. Chúng ta chỉ có một cách là cải thiện môi trường giáo dục trong nước tốt hơn để cạnh tranh với cơ sở đào tạo nước ngoài.

“Nếu vào những trang tuyển dụng lớn có thể thấy có rất ít vị trí yêu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mà chủ yếu yêu cầu kĩ sư, cử nhân có nhiều năm kinh nghiệm. Sinh viên không có lý do gì khi thấy yêu cầu như vậy lại đi học lên thạc sĩ, tiến sĩ” – ông Duy nói thêm.

Tuy nhiên, ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – có một góc nhìn khác khi lý giải việc người học sau ĐH ngày càng ít. Theo ông Duy, khi có cung thì có cầu. Có giai đoạn chúng ta đột biến về số người học cao học, tiến sĩ, đặc biệt là các trường lớn, do có nhu cầu lớn về chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và nhu cầu tự thân của các cán bộ muốn nâng cao trình độ để phát triển trong hệ thống quản lý. Đến nay số lượng giảm nhiều vì cơ bản những người có nhu cầu đã trang bị xong trình độ họ cần.

Cho rằng nhu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không phải nhiều trong các doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện chỉ có một vài tập đoàn lớn có bộ phận nghiên cứu phát triển cần nhân lực trình độ như trên; còn khoảng 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có nhu cầu lao động trình độ thạc sĩ, tiến sĩ…

Trường ĐH ngày càng khó tuyển sinh sau đại học - 2..jpg

Đại diện người học: Hầu hết người học sau ĐH đều vừa đi học vừa đi làm nên gặp nhiều khó khăn.

Trường ĐH cần thay đổi tư duy

Nói về giải pháp, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, bản thân các trường phải thay đổi tư duy đào tạo. Khá nhiều trường, chương trình thiết kế thời gian phải học rất nhiều, nhưng thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu còn ít.

Đồng quan điểm, theo PGS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HCM, nhà trường cần nhìn nhận lại chính mình xem đã đào tạo có đáp ứng yêu cầu hay không. Trên thực tế, chương trình đào tạo còn theo lối mòn, chưa thiết kế chương trình một cách linh động theo nhu cầu luôn biến đổi của thị trường và xã hội.

Nhiều ý kiến cũng thống nhất chính sách học bổng hỗ trợ người học rất quan trọng để thu hút người học sau ĐH. Tuy nhiên, cần có cơ chế chính sách rõ cho nội dung này. Bởi thực tế từ chia sẻ của đại diện Mobifone, hiện doanh nghiệp này có Quỹ với nghìn tỷ nhưng không tiêu được vì cơ chế chính sách chưa rõ ràng.

Đại diện Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – cho rằng, chính sách của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH mới được thông qua, ở đó tinh thần quan trọng nhất là mở rộng tự chủ ĐH gắn liền với đổi mới quản trị ĐH, phát huy tính năng động, sáng tạo của các trường để nâng cao chất lượng.

“Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025 cũng mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa vào cơ chế đồng bộ hơn, từ đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trọng điểm, quốc tế hóa, gắn kết với doanh nghiệp…” – Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thêm.

Theo Hiếu Nguyễn

Giáo dục & Thời đại- Nguồn Internet 

Đánh giá
Ý kiến bình luận
1

Đăng ký khóa học và nhận tư vấn

09.8888.0000