Tuyển sinh 2019: Hầu như không xuất hiện các “tổ hợp lạ”

Trang chủ TIN TỨC TUYỂN SINH Tuyển sinh 2019: Hầu như không xuất hiện các “tổ hợp lạ”

Toàn hệ thống đã xác định có 483.562 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên là 44.076. Chia sẻ với báo GD&TĐ bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đến 11 giờ 30 ngày 10/4, đã có 227.634 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019; trong đó có 172.252 thí sinh đăng ký xét tuyển với 327.762 nguyện vọng, hệ thống ổn định.

Tổng 483.562 chỉ tiêu tuyển sinh

– Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019, trong đó có chỉ tiêu sư phạm, đặc biệt với những ngành mới phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới được dư luận quan tâm. Bà có thể chia sẻ một số thông tin khái quát?

– Trên cơ sở Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục đã xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019 đảm bảo theo quy định. Cụ thể, toàn hệ thống đã xác định có 483.562 chỉ tiêu; trong đó chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức thi THPTQG là 341.594 (70,6%), chỉ tiêu theo các phương thức khác là 141.968.

Về chỉ tiêu sư phạm, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp nhu cầu đào tạo giáo viên do các địa phương đề nghị, phân bổ chỉ tiêu đến từng ngành theo từng trình độ đào tạo của các trường và gửi các trường cập nhật vào hệ thống phục vụ công tác xét tuyển 2019.

Các ngành đào tạo sư phạm theo nhu cầu các địa phương có 63.364 chỉ tiêu cần đào tạo; trong đó mầm non: 23.333 chỉ tiêu; tiểu học: 21.220 chỉ tiêu; THCS: 14.580 chỉ tiêu; THPT: 3.553 chỉ tiêu.

Việc xác định chỉ tiêu 2019 theo nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu các tỉnh, các vùng miền và năng lực đào tạo của các trường để giao chỉ tiêu trong phạm vi 2 cơ sở trên.

Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên là 44.076/63.364, đạt 69,56% nhu cầu của địa phương theo các ngành đào tạo. Việc giao không hết nhu cầu là để địa phương thu hút giáo viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm hoặc đang làm trái ngành.

Tuyển sinh sư phạm năm nay cũng giữ nguyên chỉ tiêu của các trường đào tạo có chất lượng, tuyển sinh toàn quốc, như các trường tham gia dự án ETEP và Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Một số ngành đào tạo như Sư phạm Địa lý, Lịch sử, Hóa học, Sinh học, Vật lý, nhu cầu các địa phương giảm mạnh nên Bộ chỉ giao mức tối thiểu là 10 chỉ tiêu/ngành.

Với một số ngành mới phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới như Sư phạm Lịch sử – Địa lý, Sư phạm Khoa học Tự nhiên đã được giao cho các trường đang đào tạo đầy đủ các ngành nhỏ liên quan đến ngành ghép. Cụ thể, đang đào tạo Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, được giao đào tạo Sư phạm Lịch sử – Địa lý; đang đào tạo Sư phạm Hóa học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, được giao đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên…”

– Việc rà soát đề án tuyển sinh của các trường và công khai trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh được thực hiện thế nào cho đến nay, thưa bà? Đề án tuyển sinh các trường có còn các “tổ hợp lạ” như từng xảy ra?

– Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc khai báo và công khai các thông tin về tuyển sinh (Đề án tuyển sinh) lên hệ thống (trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và của Bộ GD&ĐT). Đây là các thông tin quan trọng để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và các điểm tiếp nhận nhập thông tin đăng ký của thí sinh lên hệ thống.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT, các đề án tuyển sinh năm nay hầu như không xuất hiện các “tổ hợp lạ” không liên quan đến yêu cầu của ngành đào tạo. Các điều kiện bổ sung cũng được điều chỉnh, trong phạm vi giải trình được. Đến nay, 362 mã tuyển sinh khai báo đầy đủ các thông tin tuyển sinh như mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển, phương án tuyển sinh riêng…

Tích cực chuẩn bị

– Công tác tuyển sinh ĐH và CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 đã được triển khai như thế nào cho đến thời điểm này?

– Từ thực tiễn công tác tuyển sinh năm 2018, để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh năm 2019, Vụ Giáo dục ĐH đã tham mưu trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản pháp quy và kế hoạch công tác tuyển sinh.

Hệ thống phần mềm lọc ảo và xét tuyển cũng được rà soát, cập nhật, nâng cấp. Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh phần mềm tuyển sinh đã áp dụng có hiệu quả trong các năm cho phù hợp với các quy định và điều kiện tuyển sinh năm 2019.

Một số công việc cũng đã được thực hiện như: Bổ sung thông tin của 29 Quyết định liên quan được sử dụng làm căn cứ để xác định khu vực ưu tiên trong tuyển sinh năm 2019; danh mục tỉnh, huyện, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; danh mục trường THPT và các thông tin đào tạo, làm căn cứ xác định khu vực ưu tiên trong tuyển sinh và phục vụ công tác hậu kiểm trong tuyển sinh.

Trong các ngày 20 – 21/3/2019, Vụ Giáo dục ĐH phối hợp với Cục Quản lý chất lượng giáo dục đã tổ chức tập huấn về chính sách ưu tiên, xác định chỉ tiêu, đăng ký xét tuyển, quy chế tuyển sinh và sử dụng phần mềm tuyển sinh năm 2019 cho các đối tượng là sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐSP, TCSP trên cả nước và các đơn vị có liên quan; thống nhất mức thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh năm 2019 đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

Ngoài ra, các công tác quan trọng như: Rà soát chỉ tiêu tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm; rà soát đề án tuyển sinh; tổ chức đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển… cũng đã và đang được thực hiện.

– Trong thời gian tới sẽ tập trung những công việc gì cho công tác tuyển sinh năm 2019, mong bà chia sẻ?

– Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT thực hiện các công việc nhằm bảo đảm phần mềm tuyển sinh chạy thông suốt, không có sự cố, tốc độ đường truyền nhanh. Tổ chức chạy thử phần mềm lọc ảo tuyển sinh năm 2019. Thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng của một số trường; kiểm tra công tác thi và tuyển sinh. Tham mưu thành lập các hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với khối ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe. Tích cực truyền thông để tạo đồng thuận xã hội, các thí sinh, các cấp hiểu và tương tác hiệu quả trong quá trình thi, tuyển sinh…

Về phía các trường ĐH, CĐSP, TCSP, cần phối hợp chặt chẽ với các sở GD&ĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi; bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia kỳ thi theo điều động của Bộ, đảm bảo đúng quy định của quy chế; nghiêm túc quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia, nhất là với cán bộ coi thi, chấm thi.

Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh đảm bảo tự chủ trong tuyển sinh, phù hợp với quy chế tuyển sinh. Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, cử cán bộ có năng lực và kinh nghiệm để trực tiếp giải đáp băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân về tuyển sinh. Thực hiện tổ chức xét tuyển theo đúng quy chế, đảm bảo khách quan, công khai, nâng cao trách nhiệm giải trình.

– Xin cảm ơn bà!

Từ ngày 1/4, các sở GD&ĐT, các trường THPT bắt đầu tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào ĐH và CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên. Theo Vụ trưởng bà Nguyễn Thị Kim Phụng, để thống nhất chỉ đạo trong toàn hệ thống và tạo thuận lợi cho thí sinh, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 đã cung cấp đầy đủ các quy định theo Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn, thông tin tuyển sinh của các trường để thí sinh tham khảo và điền thông tin chính xác vào phiếu đăng ký dự thi, Phiếu đăng ký xét tuyển trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ. 

 

Đồng thời, Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi – tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)
nguồn internet – 16/04/2019

Đánh giá
Ý kiến bình luận
1

Đăng ký khóa học và nhận tư vấn

09.8888.0000