Tuyển sinh đại học 2019: Những học sinh không xét tuyển sẽ đi đâu?

Trang chủ TIN TỨC TUYỂN SINH Tuyển sinh đại học 2019: Những học sinh không xét tuyển sẽ đi đâu?

Tỉ lệ thí sinh dự thi THPT quốc gia mấy năm gần đây không đăng ký xét tuyển đại học có xu hướng tăng, TS Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng đây là tín hiệu tốt, thể hiện chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực. Người dân không còn tâm lý sính bằng cấp, phải vào đại học bằng mọi giá… Thế nhưng việc này cũng đặt ra cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp thách thức không nhỏ.

Năm 2019, có 279.001 thí sinh dự thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực hay vì hiện nay, vào đại học (ĐH) không còn là cánh cửa hẹp, nếu không muốn nói là “mở toang” với hàng chục phương thức xét tuyển khác nhau không căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia?

Có nơi 70% học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp

Thống kê của Sở GDĐT Nam Định, trong tổng số 19.814 thí sinh đăng ký dự thi, có 4.192 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, chiếm trên 20%. Trong khi đó, Hòa Bình có hơn 58% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Đây là con số không gây bất ngờ với nhiều người vì tỷ lệ này mấy năm nay ở Hòa Binh đều tăng. Cũng giữ mức trên 50% còn có tỉnh khác như Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai… Đặc biệt, Lai Châu có tới 70,66% học sinh lớp 12 đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. 

Một bất ngờ khác là Nghệ An, vùng đất lâu nay được xem là “đất học” lại có tới hơn 13.000 học sinh thi để xét tốt nghiệp, chiếm gần 40%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong vài năm trở lại đây và cao hơn năm 2018 khoảng 5%.

Theo phân tích của Sở GDĐT Lào Cai, sẽ có gần 40% học sinh tốt nghiệp THPT học tiếp lên ĐH,CĐ; trên 50% còn lại đi làm phổ thông hoặc học nghề ngắn hạn. Dự kiến năm 2020, Lào Cai phấn đấu có 20% học sinh học ĐH, 70% học nghề (CĐ, Trung cấp); 10% tốt nghiệp THPT được bồi dưỡng, học các chương trình đào tạo ngắn hạn.

Lý giải của nhiều tỉnh thành về tỉ lệ này đó là vì học sinh nhìn thấy cảnh sinh viên tốt nghiệp ĐH,CĐ không xin được việc làm rất nhiều. Trong khi đó nhiều khu công nghiệp lại cần tuyển công nhân chỉ cần tốt nghiệp hoặc THCS đi làm ngay. Một bộ phận học sinh khác thì đi học nghề, học các chương trình đào tạo ngắn hạn, vừa học vừa làm có thể có thu nhập ổn định luôn mà không phải lo lắng học ĐH xong, xin việc thế nào?

Ngoài các phương án trên, học sinh còn có một lựa chọn khác nữa là vào ĐH,CĐ thông qua hình thức xét tuyển không dựa vào điểm thi THPT quốc gia. Thống kê cho thấy, năm nay có tới hơn mười hình thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp học bạ và thi đánh giá năng lực, phỏng vấn trực tiếp… 

Trong đó, với việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ phía các trường ĐH tới hơn 34.000 chỉ tiêu so với năm 2018 thì các thí sinh có nguyện vọng theo học ĐH,CĐ sẽ còn có nhiều cơ hội khác. Các em có thể dùng học bạ 3 năm học phổ thông hoặc riêng kết quả học tập lớp 12… để đăng ký xét tuyển vào ĐH. Cứ tốt nghiệp THPT là có thể vào ĐH là xu hướng tuyển sinh của nhiều trường trong vài năm gần đây khi sử dụng đa phương thức xét tuyển nhằm hút thí sinh bằng mọi cách. 

Riêng với các trường CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (trừ khối ngành sư phạm phải theo quy định của Bộ GDĐT) thì đa số, chỉ cần tốt nghiệp THPT là đã có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. “Cánh cổng hẹp” vào ĐH đa số chỉ khó khăn với các trường tốp trên. Thực tế trong mùa tuyển sinh năm 2018 và trước đó, nhiều học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH ngoài công lập bằng phương thức xét học bạ.

Yêu cầu nhân lực trình độ cao

Mặc dù còn phương thức xét tuyển vào ĐH,CĐ bằng học bạ như chúng tôi đã đề cập ở trên nhưng ngay cả những thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH,CĐ bằng kết quả thi THPT quốc gia, thì không phải em nào đỗ cũng nhập học. Câu hỏi thí sinh đi đâu mấy năm gần đây vẫn được các trường đặt ra nhưng đi tìm câu trả lời không dễ. 

Một trong những lý do được các chuyên gia giáo dục phân tích là do hiện nay rất nhiều trường ĐH công lập đã thực hiện tự chủ tài chính nên mức học phí khá cao. Nhiều thí sinh dù đỗ cũng từ chối nhập học để tham gia xét tuyển bổ sung vào những trường ĐH có mức học phí thấp hơn. Một bộ phận khác chọn đi du học, học chương trình liên kết… và cũng có những em sau khi cân nhắc về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH đã quyết định lựa chọn gia nhập thị trường lao động ngay. 

Trên thực tế, học sinh tốt nghiệp THPT đã đủ 18 tuổi, hoàn toàn có thể tham gia ngay vào thị trường lao động với các công việc khác nhau nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, không có kiến thức, kỹ năng và tay nghề ổn định. Mặc dù doanh nghiệp có thể đào tạo trực tiếp nhưng đó chỉ là đào tạo công việc cụ thể nên nếu sau một vài năm, doanh nghiệp không cần đến vị trí đó hoặc người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc, phải nghỉ việc thì để tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt không dễ. 

Nhìn nhận về tỉ lệ thí sinh dự thi THPT quốc gia mấy năm gần đây không đăng ký xét tuyển ĐH có xu hướng tăng, TS Vũ Xuân Hùng- Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng đây là tín hiệu tốt, thể hiện chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực. Người dân không còn tâm lý sính bằng cấp, phải vào ĐH bằng mọi giá… nhưng cũng đặt ra cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp thách thức không nhỏ. Đó là làm sao để đào tạo người học thành những lao động vừa có kiến thức kết hợp với thực hành để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời đại công nghiệp 4.0. Đó không chỉ là lao động giản đơn mà điều thị trường cần hơn đó là những lao động được đào tạo lành nghề, có kỹ thuật cao, làm chủ được công nghệ đang ngày càng phát triển. 

Từ góc nhìn khác, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng từ phía các địa phương và ngành giáo dục cần có khảo sát cụ thể xem những học sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH,CĐ có phải tất cả đều sẽ đi học nghề hay sẽ vào ĐH,CĐ bằng hình thức xét tuyển học bạ hay đi làm ở các công ty, xí nghiệp? Từ đó, mới tính toán được hiệu quả của công tác phân luồng thực chất đến đâu. Bên cạnh đó, điều này cũng đặt ra cho các trường ĐH,CĐ bài toán nâng cao chất lượng đào tạo để hút thí sinh. Nếu chỉ chăm chăm tăng chỉ tiêu một cách cơ học mà không tính đến tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường thì sẽ chỉ gây tác động xấu đến thị trường lao động.    

Thu Hương
Nguồn internet

Đánh giá
Ý kiến bình luận

Đăng ký khóa học và nhận tư vấn

09.8888.0000