Các trường đại học dồn dập tổ chức thi đánh giá năng lực

Trang chủ TIN TỨC TUYỂN SINH Các trường đại học dồn dập tổ chức thi đánh giá năng lực

Ngày 31/3 , ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (đợt 1). Tiếp sau đó là hàng loạt trường công lập và tư thục sẽ tổ chức thi riêng với phương thưc này.

Chỉ trong ngày 28 và 29.3, thêm  hai trường ngoài công lập là ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Nguyễn Tất Thành công bố tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực bên cạnh các phương thức tuyển sinh truyền thống. Như vậy hiện nay riêng tại TP.HCM có  gần 10 trường ĐH tổ chức thi riêng theo phương thức này. Tuy vậy ở mỗi trường, cách thức tổ chức thi có khác nhau.

ĐH Quốc gia TP.HCM

Kỳ thi được tổ chức sớm nhất là kỳ thi đánh giá năng lực  của ĐH Quốc gia TP.HCM vào ngày 31.3 (đợt 1). Kỳ thi đợt 2 sẽ được tổ chức vào tháng 7.2019. Thí sinh có thể đăng ký dự thi 1 đợt hoặc cả 2 đợt. Nếu thí sinh dự thi nhiều hơn một đợt thì kết quả thi cao nhất sẽ được sử dụng để xét tuyển.

Chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức này năm 2019 chiếm tối đa 40% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc của ĐH Quốc gia TP.HCM. Bên cạnh đó, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH và CĐ ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM (không giới hạn số nguyện vọng) có sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Thí sinh sẽ làm bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Tổng điểm bài thi 1.200, trong đó phần sử dụng ngôn ngữ 400 điểm; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu 300 điểm; phần giải quyết vấn đề 500 điểm.

Kết quả thi đợt 1 này sẽ được công bố vào ngày 10.4, thí sinh sử dụng kết quả này đăng ký xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM từ ngày 15.4.

Đến ngày 25 – 26.5, Trường ĐH Quốc tế ( một thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 5 bài thi độc lập gồm: toán, lý, hóa, sinh và tiếng Anh. Thí sinh có thể chọn thi tối thiểu 2 môn gồm toán và một trong các môn còn lại để xét tuyển trực tiếp vào các ngành của trường.

Đề thi đánh giá năng lực  của Trường ĐH Quốc tế  sẽ kiểm tra kiến thức về khoa học tự nhiên, tư duy logic, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng viết thông qua các kiến thức của chương trình THPT: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh. Trong đó, câu hỏi kiểm tra năng lực ghi nhớ và vận dụng kiến thức gồm 50% mức độ dễ, 20% suy luận tổng hợp, 15% tính toán và suy luận phức tạp, 10% mức độ khó và 5% sáng tạo. Kiến thức môn toán và lý chỉ tập trung vào chương trình lớp 12, hóa và sinh kiểm tra thêm kiến thức lớp 10 và 11.

Thi ở các trường ngoài công lập

Trường ĐH Hoa Sen tổ chức 6 đợt đánh giá năng lực học sinh, trong đó đợt sớm nhất tổ chức vào ngày 24.3 và đợt trễ nhất là ngày 2.6. Đây là phương thức thứ tư  trong các cách tuyển sinh của trường. Cụ thể, trường lấy 10% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh có điểm trung bình cộng các môn học trong năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường quy định trở lên, kèm theo tiêu chí khác để trúng tuyển vào trường. Một trong các tiêu chí là đạt điểm kỳ thi đánh giá năng lực  từ 6 điểm trở lên (thang điểm 10). 

Bài thi của Trường ĐH Hoa Sen trong 30 phút với 45 câu trắc nghiệm,  được Trung tâm nghiên cứu và kiểm định giáo dục ĐH phối hợp cùng các Khoa của Trường ĐH Hoa Sen biên soạn. Đề thi gồm các kiến thức về: Xã hội, phân tích tính tư duy logic, hội nhập quốc tế và các lĩnh vực thuộc các ngành đào tạo của trường.

Đến tháng 5, hàng loạt trường ĐH sẽ gia nhập vào danh sách trường tổ chức thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến tổ chức kỳ thi vào tháng 5 với 30% chỉ tiêu cho phương thức này. Theo đó, thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc sắp tốt nghiệp đều được dự thi 2 môn trong các môn toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh. Môn văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, đề thi đánh giá năng lực do trường tự biên soạn, với lượng thức trải đều trong 3 năm THPT. Bài thi này sẽ tương tự như Trường ĐH Quốc tế TP.HCM thực hiện 2 năm qua.

Tháng 7, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng vào các ngày 13 -14.7.2019 và dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển theo kỳ thi này. Kỳ thi  gồm 5 môn (toán, vật lý,hóa học, sinh học, tiếng Anh) với hình thức thi trắc nghiệm. Thí sinh có thể đăng ký môn thi theo nhu cầu xét tuyển vào ngành học hoặc đăng ký dự thi cả 5 môn để có thêm cơ hội chọn tổ hợp xét tuyển. Thời gian đăng ký dự thi từ 1.4 – 2.7.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng tư vấn – tuyển sinh – truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết do đây là lần đầu tiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sẽ hoàn thiện dần trong những năm tiếp theo, nên trường định hướng xây dựng đề thi dựa trên nền tảng của kỳ thi THPT quốc gia về cấu trúc đề thi cũng như khối lượng kiến thức, thời gian làm bài thi,… Theo đó, hình thức làm bài thi của cả 5 môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh đều là trắc nghiệm; thời gian làm bài của môn toán là 90 phút, môn tiếng Anh 60 phút và 3 môn còn lại là 50 phút. Khối lượng kiến thức sẽ gần như tương đồng với kỳ thi THPT quốc gia, do đó thí sinh có thể dựa trên quá trình ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia  để dự thi vào kỳ thi riêng của trường mà không cần chuẩn bị thêm quá nhiều. Hiện tại, trường đang thành lập đội ngũ thực hiện các công tác ra đề thi, coi thi và chấm thi cho kỳ thi tuyển sinh riêng này. Thành viên của đội ngũ bao gồm những thầy cô là giảng viên và giáo viên, tổ trưởng chuyên môn tương ứng tại các trường THPT của TP.HCM, mà tập trung chủ yếu là các trường THPT trên địa bàn quận Bình Thạnh. Dự kiến đến cuối tháng 4.2019 sẽ hoàn tất nhân sự và phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ này.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14.7 tại các cơ sở quận 4 và quận 12 của trường. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 1.4 – 30.6. Thí sinh dự thi tối thiểu 2 môn thi sẽ sử dụng tổ hợp xét tuyển kết quả 2 môn thi đó cộng thêm 1 môn lựa chọn trong kỳ thi THPT Quốc gia. Thí sinh dự thi trên 3 môn sẽ sử dụng kết quả thi để xét vào các ngành học có tổ hợp môn xét tuyển phù hợp. Điểm bài thi tuyển đạt mức điểm chuẩn đầu vào do trường xác định sau khi có kết quả.

Theo thông tin từ Trường ĐH Nguyễn tất Thành, các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực theo dạng trắc nghiệm, được các chuyên gia trong trường thiết kế để phù hợp với tiêu chí tuyển sinh của trường. Đề thi bao gồm tối thiểu 2 môn thi toán hoặc ngoại ngữ và một trong các môn tự chọn (văn/lý/hóa/sinh). Thời lượng thi mỗi môn sẽ là: Toán (120 phút), ngoại ngữ (60 phút), các môn còn lại (40 phút). Nội dung thi chủ yếu nằm trong kiến thức lớp 12 của bậc THPT.  

Kiểu của trường công 

Ngày 18 – 19.5, Trường ĐH Việt Đức sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực  với 80% chỉ tiêu. Đến tháng 7 sẽ có kỳ thi lần 2 dành cho các thí sinh không tham gia (hoặc không thành công trong) đợt tuyển sinh tháng 5. Trong đợt tuyển sinh này, thí sinh cần nộp điểm thi THPT quốc gia  và tham dự kiểm tra tiếng Anh. Bài thi tiếng anh onSet là dạng bài thi được làm trên máy tính. Thời gian thi  trong 30 phút. Ở đợt này, thí sinh có điểm IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 79 thì không cần tham dự bài kiểm tra tiếng Anh onSet.

Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo của Trường ĐH Việt Đức, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của trường sử dụng bài thi TestAS hiện đang áp dụng cho học sinh  toàn thế giới. Bài thi gồm bài thi ngoại ngữ trực tuyến, kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên ngành. Trong đó bài thi cơ bản kiểm tra các kỹ năng tổng quát về toán học cơ bản, suy luận logic, quy luật chuỗi số… Bài thi chuyên ngành được thiết kế theo các nhóm ngành khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn một trong các bài gồm: nhân văn, văn hóa và khoa học xã hội; khoa học kỹ thuật; toán học, khoa học máy tính và khoa học tự nhiên; kinh tế học.

Trong khi đó, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ áp dụng bài kiểm tra năng lực để cộng vào điểm xét vào trường. Cụ thể, bài kiểm tra này chiếm 30% điểm, còn lại điểm học bạ chiếm 10%, điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 60%. Khi cộng 3 cột điểm lại sẽ ra điểm trúng tuyển của trường.  Trường cập nhật điểm học bạ từ ngày 15.5 – 30.6; cập nhật điểm thi THPT quốc gia trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi. Công bố kết quả xét tuyển sơ bộ và số báo danh của những thí sinh đủ điều kiện tham gia làm bài kiểm tra năng lực sau 2 ngày, kể từ khi kết thúc thời hạn cập nhật điểm thi THPT quốc gia;.Thời gian kiểm tra năng lực sau 3 ngày, kể từ khi công bố kết quả xét tuyển sơ bộ.

Bài kiểm tra của Trường ĐH Luật TP.HCM gồm 100 câu thi trong 75 phút làm bài trắc nghiệm trên giấy (thang điểm 30). Nội dung bài thi 4 nhóm kiến thức gồm: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân). Hai nhóm kiến thức còn lại là về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận. Tỷ lệ điểm trong từng nhóm kiến thức có sự phân bố khác nhau. Cụ thể: kỹ năng sử dụng tiếng Việt 30%, kiến thức xã hội tổng hợp 30%, kiến thức pháp luật 20%, tư duy logic và khả năng lập luận 20%.

Đăng Nguyên
Nguồn internet– 31/03/2019

Đánh giá
Ý kiến bình luận

Đăng ký khóa học và nhận tư vấn

09.8888.0000